CÁCH ĐẶT TÊN CHO MỘT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BỆNH VIỆN TÂM THẦN BÌNH ĐỊNH
DSCKI. Trần Xuân Hương
Bệnh viện Tâm thần Bình Định
Tên đề tài nghiên cứu khoa học là ấn tượng đầu tiên của Hội đồng khoa học/ người đọc đối với đề tài nghiên cứu. Nếu những ấn tượng ban đầu là tích cực thì người đọc sẽ dễ có xu hướng đánh giá công trình nghiên cứu cao hơn nếu các phần tiếp theo của công trình nghiên cứu có chất lượng tốt.
Thông thường tên đề tài sẽ được đưa ra ngay khi nhóm nghiên cứu bắt đầu có ý tưởng về công trình nghiên cứu của mình. Trải qua quá trình tổng quan tài liệu và xây dựng đề cương, tên đề tài sẽ tiếp tục được thay đổi để sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất để đặt tên đề tài là lúc nhóm nghiên cứu đã hoàn thành toàn bộ nội dung công trình của mình. Trong khoảng thời gian này, nhóm nghiên cứu đã có thể hiểu tường tận về vấn đề nghiên cứu.
Tên đề tài là tên gọi của vấn đề khoa học mà tác giả cần nghiên cứu. Tên đề tài là cái vỏ bề ngoài, còn vấn đề nghiên cứu là nội dung bên trong. Tên của đề tài là phản ánh cô đọng nhất nội dung cần nghiên cứu.
Vì vậy, việc đặt tên đề tài sao cho rõ ràng, súc tích, hấp dẫn, thu hút, thể hiện được vấn đề mà bạn muốn nghiên cứu. Về nguyên tắc chung, tên đề tài nên ít chữ nhất có thể, nhưng chứa đựng một lượng thông tin cao nhất mà vẫn đảm bảo các chuẩn mực khoa học là điều rất cần thiết khi công bố nghiên cứu.
+ Tên đề tài cần chỉ rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Phải trả lời được 3 câu hỏi: Nghiên cứu cái gì? Ở đâu? Thời điểm nào?.
+ Tên đề tài phải ngắn, gọn, súc tích, ít chữ nhất nhưng chứa đựng nhiều thông tin nhất: Tên đề tài không nên quá 25 từ. Thông thường nhỏ hơn 20 từ. (Lưu ý: Tên cơ quan, đơn vị chỉ tính là 01 từ).
+ Ngôn ngữ dùng trong tên đề tài phải rõ ràng, chuẩn xác để không dẫn đến những sự hiểu lầm, hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hay hiểu mập mờ.
+ Tên đề tài phải thống nhất với mục tiêu, phạm vi và nội dung nghiên cứu đã được xác định và trình bày trong đề tài.
Các lưu ý khi đặt tên cho đề tài nghiên cứu khoa học:
Đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học, cần chú ý tránh một số vấn đề sau:
– Không sử dụng các từ, cụm từ mang tính chất bất định về thông tin như: “Về…” , “Thử bàn về…”, “Một số phương pháp…”, “Một số biện pháp…”, “Một số vấn đề…”, “Tìm hiểu về…”, “Thông tin về…”, v.v… những từ, cụm từ này sẽ khiến cho vấn đề nghiên cứu không được xác định rõ ràng, lan man. Cách đặt tên như trên chỉ thích hợp cho một bài báo chứ không thích hợp cho một công trình khoa học.
– Không sử dụng các từ, cụm từ chỉ mục đích cho tên đề tài như: “Nhằm…, “Góp phần…, “Để…, v.v… những từ, cụm từ này sẽ làm loạn thông tin, thêm rối rắm không thể hiện trọng tâm.
– Không nên sử dụng những mỹ từ hay những từ thể hiện tình cảm, quan điểm, chính kiến chủ quan để đặt tên đề tài, vì đề tài nghiên cứu khoa học nên bắt buộc cần phải mang tính khách quan và tiêu chí quan trọng trong văn phong khoa học là đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đơn nghĩa.
– Không nên đặt tên đề tài dưới dạng câu hỏi, câu phủ định, câu khẳng định, nghi vấn hay phát biểu vì như vậy sẽ tạo cho người đọc cảm giác khó chịu.
– Không nên sử dụng các ký tự viết tắt vào việc đặt tên đề tài. Bởi nếu sử dụng thuật ngữ chuyên ngành thì chỉ có người thuộc chuyên ngành đó mới có thể hiểu được. Điều này sẽ gây khó khăn cho những người theo dõi bài nghiên cứu, đặc biệt là những người không chung lĩnh vực.
– Không lựa chọn đặt tên đề tài theo tác động qua lại. Ví dụ “Vấn đề A ảnh hưởng xấu đến B…” hay “ Tác động tích cực của A đến B…”, v.v… những tiêu đề kiểu này có thể làm cho người đọc khó chịu, và có khi làm lẫn lộn vấn đề của nghiên cứu.
Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp cho các bạn chọn được một tiêu đề cho công trình nghiên cứu khoa học thật khoa học./.