BỆNH VIỆN TÂM THẦN BÌNH ĐỊNH

BINH DINH Psychiatric Hospital

Sức khỏe tâm thần - Niềm vui cuộc sống

Previous slide
Next slide

Chào mừng bạn đến với bệnh viện tâm thần Bình Định

Trang chủ » Sự kiện » BỆNH VIỆN TÂM THẦN BÌNH ĐỊNH 40 NĂM PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

BỆNH VIỆN TÂM THẦN BÌNH ĐỊNH 40 NĂM PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

BỆNH VIỆN TÂM THẦN BÌNH ĐỊNH 40 NĂM PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

Bệnh viện Tâm thần Bình Định, trước đây có tên là Bệnh viện Tâm thần Nghĩa Bình. Tính từ ngày chính thức đưa cơ sở vào sử dụng, thu dung điều trị bệnh nhân là ngày 28/7/1986, đến nay gần tròn 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (1986 – 2026).

Nhìn lại chặng đường dài trong 40 năm qua, khó có thể hình dung được trước kia: Nơi đây là một nghĩa địa, bãi tha ma lớn của phường Nhơn Phú, hoang sơ, lạnh lẽo, dân cư xung quanh thưa thớt. Nay, sau 40 năm đã hình thành một bệnh viện khang trang, đẹp đẽ, tiếp nhận và điều trị có uy tín lớn về các loại bệnh tâm thần trong khu vực.

Từ một cơ sở ban đầu còn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất và nhân lực, thì ngày nay đã xây dựng, sửa chữa nâng cấp, trang bị các vật tư, thiết bị y tế hiện đại, để thực hiện các dịch vụ của một bệnh viện chuyên khoa hạng III cấp tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác khám chữa và chăm sóc người bệnh. Bệnh viện đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình, trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Bệnh viện đã có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật: Bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, viên chức nghiệp vụ và nhân viên phục vụ được bổ sung, đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, ngày một nhiều, đáp ứng tốt cho công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong tỉnh và ngoại tỉnh như: Phú Yên, Quãng Ngãi, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum…

Trần Thị Tuyết: Bệnh nhân thu dung điều trị đầu tiên tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định ngày 28/7/1986

Với khuôn khổ bài viết này, để ôn lại những thành tích to lớn đã đạt được trong 40 năm kiên trì xây dựng, rèn luyện, phấn đấu và lao động quên mình của các thế hệ CBVC_NLĐ nhằm nhắc nhở các thế hệ sau phát huy hơn nữa về mọi mặt để xây dựng bệnh viện ngày một tốt đẹp hơn trong nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất 1975, Ngành Y tế tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định) lúc bấy giờ còn non yếu. Trong khi công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng rất cần thiết và cấp bách. Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần chung trong nhân dân khoảng 15% dân số, có khoảng hơn 200.000 bệnh nhân tâm thần các loại nặng, nhẹ khác nhau, trong đó khoảng 50% là các bệnh tâm thần nặng như: Tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, loạn thần sau chấn thương sọ não, các loại tâm thần khác … cần phải điều trị lâu dài mà chưa được quản lý và điều trị. Hậu quả nếu không được quản lý điều trị lâu dài họ sẽ dần sa sút tâm thần, tàn phế trí tuệ, thể chất và sức lao động … để lại gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội về kinh tế lẫn an ninh trật tự.

Trước yêu cầu bức xúc đó, khoảng tháng 5/1980 tỉnh Nghĩa Bình quyết định thành lập Trạm tâm thần Nghĩa Bình, là tiền thân của Bệnh viện Tâm thần Bình Định, qua 3 tháng điều động, chọn lựa nhân sự đến ngày 10/8/1980 SYT tổ chức sự kiện lớn: Lễ khánh thành, ra mắt Trạm tâm thần Nghĩa Bình, lúc này chỉ có 06 người trong đó 04 bác sĩ (BS. Nguyễn Văn Thí, BS. Huỳnh Hồng Nhung, BS. Nguyễn Thị Minh Tuyết và BS. Phạm Thị Thà), 01 dược sĩ trung học (DSTH. Phạm Thị Minh Tâm) và 01 y tá (YT. Phan Thanh Hải). Cơ sở Trạm tại 18 Nguyễn Lạc, thị xã Quy Nhơn, ngôi nhà trưng thu của tư nhân chế độ cũ. Từ đó Trạm dần dần tập hợp được một số cán bộ công nhân viên chức có trình độ về chuyên môn và quản lý, với sự nhiệt tình và quyết tâm của họ đã thay đổi diện mạo điều trị, quản lý sức khỏe tâm thần cho nhân dân vào những năm đầu, sau ngày giải phóng.

Bệnh viện Tâm thần Bình Định 1986

Trạm tâm thần đã từng bước tiến hành tổ chức khám, điều tra, sàng lọc lập danh sách quản lý, cấp phát thuốc thí điểm cho bệnh nhân tâm thần ở một số địa phương, tại trạm có tiến hành khám chữa bệnh tâm thần ngoại trú. Từ đó giúp cho bệnh nhân có chỗ khám chữa bệnh đáng tin cậy, đã góp phần hạn chế phần nào sự tái phát và kìm hãm được các hành vi gây rối, gây hại do bệnh nhân tâm thần gây ra.

Với nhu cầu cấp thiết cần có nơi điều trị nội trú tập trung, UBND tỉnh Nghĩa Bình đã ra quyết định số 352/QĐ UB-TC ngày 01 tháng 02 năm 1986, về việc thành lập Bệnh viện Tâm thần Nghĩa Bình (nay là Bệnh viện Tâm thần Bình Định).

Sau một thời gian dài từ năm 1982: Với ý tưởng xây dựng một Bệnh viện Tâm thần của tỉnh, CBVC đã chọn địa điểm, lập dự án thiết kế, xin kinh phí đầu tư, sau gần 4 năm lao động miệt mài của Ban Kiến thiết xây dựng bệnh viện, với hệ thống nhà cửa cấp 4 ra đời, có điện, cấp thoát nước đầy đủ. Bệnh viện bắt đầu thu dung điều trị bệnh nhân đầu tiên vào 28/7/1986.

Đại hội Chi bộ Bệnh viện Tâm thần Bình Định 1986

Thời gian đầu sau ngày thành lập, bệnh viện có 2 đơn nguyên điều trị với 40 biên chế phục vụ khám chữa bệnh là: Khoa I (nay là Khoa Nam) và Khoa II (nay là Khoa Nữ), mỗi khoa có 25 gường bệnh. Đến năm 2001 hình thành Khoa III (nay là Khoa Tâm bệnh) có 20 giường bệnh, từ đó đến nay bệnh viện vẫn tồn tại 3 đơn nguyên điều trị.

Hơn 2 năm sau 1989, kế hoạch tăng lên 100 giường bệnh với 76 biên chế. Đến ngày 01/7/1989, Quốc hội Quyết định tách Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, Trạm Tâm thần Nghĩa Bình cũng phải chia tách làm hai: Bệnh viện Tâm thần Bình Định (có chức năng điều trị nội trú và kiêm công tác chỉ đạo tuyến) và Trạm Tâm thần Quảng Ngãi (chỉ có chức năng chỉ đạo tuyến).

Từ năm 2004 đến 2016 bệnh viện dần được nâng cấp, cải tạo, xây dựng lại sạch, đẹp và khang trang hơn.

Năm 2009 kế hoạch tăng lên 130 giường bệnh với 117 biên chế đủ điều kiện thực hiện tốt 6 chức năng cơ bản của một bệnh viện chuyên khoa hạng III tuyến tỉnh là: Cấp cứu – khám chữa bệnh, Đào tạo cán bộ, Nghiên cứu khoa học, Chỉ đạo tuyến trước, Công tác phòng bệnh và Quản lý kinh tế.

Bệnh viện đã xây dựng trang website, hộp thư điện tử từ năm 2009, nâng cấp năm 2023, để hằng ngày cập nhật các thông tin, phổ biến kiến thức chuyên môn cho cán bộ viên chức, người lao động và quảng bá các hoạt động, hình ảnh bệnh viện ra ngoài. Năm 2018 đã xây dựng mạng HIS, nhằm giúp cho quản lý công tác khám, chữa bệnh nhanh chóng, thuận lợi.

Bệnh viện Tâm thần Bình Định 2014

Ngày 30/7/1996, Bệnh viện tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng III.

Ngày 30/7/2001 Bệnh viện long trọng tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập.

Ngày 30/7/2006 Bệnh viện đã hân hoan chào mừng bệnh viện qua 20 năm trưởng thành và phát triển.

Ngày 30/7/2011 Bệnh viện tổ chức kỷ niệm 25 năm bệnh viện qua những chặng đường xây dựng.

Ngày 30/7/2016 Bệnh viện vui vẻ tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Bệnh viện trưởng thành.

Trên tinh thần “ôn cổ tri tân”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” Chúng tôi xin nhắc lại những sự kiện đáng nhớ này để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập bệnh viện.

Gần 40 năm qua dưới sự lãnh đạo trực tiếp của 05 vị Giám đốc, Bệnh viện đã vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu:

  1. Giám đốc BSCKI. Nguyễn Văn Thí (02/1986 – 9/1989) tháng 9/1989 chuyển về làm Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, đã mất vào năm 2002.
  2. Giám đốc BSCKI. Huỳnh Hồng Nhung (10/1989 – 8/2002), nghỉ hưu 31/09/2002.
  3. Giám đốc BSCKII. Trương Quốc Hiền (10/2002 – 7/2018), nghỉ hưu 31/7/2018.
  4. Phó Giám đốc phụ trách quản lý và điều hành BSCKII. Châu Văn Tuấn (8/2018 – 12/2023), nghỉ hưu 31/12/2023.
  5. Phó Giám đốc phụ trách BSCKI. Huỳnh Mộng Đức (01/01/2024 đến nay).

Từ đó đến nay, Cán bộ viên chức bệnh viện luôn đoàn kết, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Từ buổi đầu vất vả, cơ sở chật hẹp, phương tiện thiếu thốn, nay đã có cơ sở khám chữa bệnh vững chắc, khang trang, đẹp đẽ và có các trang thiết bị hiện đại.

Ban đầu từ nguồn vốn xã hội hoá y tế vận động đóng góp từ CBVC bệnh viện, từ “Dự án hổ trợ y tế các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ” của Bộ Y tế và từ nguồn ngân sách nâng cao năng lực y tế tuyến tỉnh của UBND tỉnh, đã làm cho diện mạo bệnh viện thay đổi từng ngày, các thiết bị y tế hiện đại được trang bị như: Máy lưu huyết não, Máy điện não, Máy lưu huyết não, Máy siêu âm xuyên sọ, Máy phân tích huyết học, Máy xét nghiệm sinh hóa, Máy xét nghiệm nước tiểu, Máy phân tích huyết học, Máy X_Quang cao tầng tổng quát, Máy X_Quang kỹ thuật số, Máy điện tim, Máy sốc điện, Máy kích thích từ xuyên sọ, Máy châm cứu, Máy trợ thở, Máy kích thích điện, Máy siêu âm màu tổng quát, Máy choáng điện tâm thần có theo dõi ECG, Máy kéo cột sống  …

Sau 40 năm bệnh viện đã có đội ngũ cán bộ trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ, được rèn luyện qua khó khăn, thử thách. Đến nay bệnh viện có 125 biên chế, với 170 giường bệnh nội trú, quản lý hơn 6.000 bệnh nhân ngoại trú, chỉ đạo chuyên môn cho mạng lưới quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu tại 159/159 Trạm Y  tế trong toàn tỉnh.

Công tác điều trị nội trú luôn được quan tâm từ quản lý, điều trị đến chăm sóc toàn diện. Do vậy chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, nhân viên không sợ nguy hiểm, không ngại khổ, thực hiện tốt quy trình chăm sóc người bệnh như: tắm giặt, cắt tóc, cắt móng tay chân, chải đầu v.v… Chăm sóc từng thìa canh, bát cháo cho bệnh nhân tâm thần chống đối, không chịu ăn uống. Dẫu rằng họ có thể bị chửi bới, tấn công bất ngờ, cũng không lấy làm nề hà, mà càng gần gũi bệnh nhân hơn. Ngoài ra bệnh viện còn điều trị đông tây y kết hợp, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tâm lý nghề nghiệp cho bệnh nhân. Cực nhất là khi có bệnh nhân trốn viện, phải kịp thời phát hiện, thông báo với gia đình phối hợp cùng tìm kiếm đưa về trong mọi điều kiện, bằng mọi phương tiện.

Đâu phải hết, tuy thiếu nhân lực nhưng Bệnh viện còn tổ chức nhiều đoàn khám chuyên khoa cho các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng người bệnh tâm thần Hoài Nhơn, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng nữa đấy.

Ngoài ra Bệnh viện còn có Tổ chức giám định pháp y tâm thần, đã giám định bình quân 25 ca/năm đáp ứng tốt cho công tác điều tra xét hỏi (Từ ngày 01/7/2015, “Tổ chức giám định pháp y tâm thần Bình Định” được giải thể theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế). Từ năm 1999 kiêm thêm khám sức khỏe kết hôn có yếu tố nước ngoài đáp ứng tốt cho xây dựng hôn nhân gia đình theo pháp luật.

Trong suốt 40 năm qua bệnh viện tiến hành công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tin học vào khám chữa bệnh và quản lý mọi mặt hoạt động của bệnh viện. Bệnh viện áp dụng tốt tiêu chuẩn, chẩn đoán bệnh và các rối loạn tâm thần theo ICD10 đạt độ chính xác cao. Đã và đang thực hiện được gần 170 đề tài  (trong đó có 01 đề tài cấp tỉnh, 08 đề tài cấp ngành). Nội dung của các đề tài đã đề cập nhiều khía cạnh khám chữa bệnh tại bệnh viện và cộng đồng. Đồng thời xây dựng được nhiều mẫu tranh tuyên truyên có ý nghĩa, phục vụ hội nghị ngành tâm thần toàn quốc năm 1992 tại Quy Nhơn, soạn sách nhỏ về bệnh tâm thần phân liệt, Động kinh, bảng tin, pano, tờ rơi, sách báo nhỏ, giúp cho công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tâm thần trong nhân dân được thuận lợi. Ngoài ra bệnh viện còn xây dựng phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đã có hơn 85 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho bệnh viện hàng trăm triệu đồng.

Công tác thi đua, khen thưởng: Bệnh viện đã từng được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III – Tổng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen, danh hiệu cơ sở văn hóa xuất sắc – Bộ Y tế tặng danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện – Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua, danh hiệu đơn vị văn hóa…

Kết quả thi đua hàng năm có từ 10 đến 15 Chiến sĩ thi đua các cấp. Tiêu biểu trong phong trào thi đua đó có:

BSCKI. Nguyễn Văn Thí, BSCKI. Huỳnh Hồng Nhung, BSCKII. Trương Quốc Hiền, BSCKII. Châu Văn Tuấn và BSCKII. Nguyễn Thị Định đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

BSCKI. Huỳnh Hồng Nhung, BSCKII. Trương Quốc Hiền, BSCKII. Châu Văn Tuấn và DSCKI. Trần Xuân Hương đã được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.

DSCKI. Trần Xuân Hương đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen.

Nhìn chung, được sự quan tâm rất lớn của UBND tỉnh và Sở Y tế, Bệnh viện Tâm thần Bình  Định đã được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số hạng mục, đến nay cơ bản đã gần hoàn thành. Đây là một trong những bệnh viện chuyên khoa đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Bình Định. Cùng với sự phát triển chung của chuyên ngành tâm thần cả nước, Bệnh viện Tâm thần Bình Định đã cố gắng phát huy hết khả năng nội lực của mình trong điều kiện nhân lực và vật lực còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ.

Sau 40 năm, mặc dù còn non trẻ nhưng bệnh viện đã có sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc với cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đã tương đối ổn định về công tác tổ chức, khẳng định được vai trò trong công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện chuyên môn, tạo được niềm tin và uy tín đối với chuyên ngành tâm thần toàn quốc.

Trong tương lai bệnh viện định hướng sẽ triễn khai chuyên môn lồng ghép hoặc thành lập:

Khoa tâm thần trẻ em.

Khoa tâm thần người già

Khoa điều trị bắt buộc.

Khoa cai nghiện chất.

Khoa phục hồi chức năng- tâm lý- nghề nghiệp …

Mở rộng khoa Phục hồi chức năng: Thêm lao động liệu pháp (thủ công, mỹ nghệ, đan dệt, thể dục, thể thao), âm nhạc liệu pháp, hội hoạ liệu pháp, trắc nghiệm tâm lý …

Hy vọng trong tương lai gần, Bệnh viện Tâm thần Bình Định được các cấp, các ngành quan tâm tốt hơn, để đảm bảo nguồn lực, vật chất và tinh thần, nhằm góp phần xây dựng bệnh viện vững mạnh về mọi mặt, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ tâm thần nhân dân ngày càng tốt hơn trong tình hình mới./.

Quy Nhơn, Ngày 01 tháng 4 năm 2025

Tác giả: DSCKI. Trần Xuân Hương – Bệnh viện Tâm thần Bình Định

BÀI VIẾT KHÁC

Scroll to Top